Những loại chính Đồ gốm

Đồ gốm bằng đất nung từ Văn hóa Long Sơn thời đại đồ đá mới, Trung Quốc, thiên niên kỷ 3 TCN.

Đồ đất nung

Tất cả các hình thức gốm sớm nhất được làm từ đất sét nung ở nhiệt độ thấp, ban đầu là trong các hố nung hoặc trong các đống lửa ngoài trời. Chúng được nặn bằng tay và chưa được trang trí. Đồ đất nung có thể được nung ở nhiệt độ thấp chỉ 600 °C, và thường được nung dưới 1.200 °C.[7] Bởi vì đồ đất nung mộc không tráng men là xốp nên nó có tính thiết thực hạn chế trong việc lưu trữ chất lỏng hoặc làm bộ đồ ăn. Tuy nhiên, đồ đất nung đã có một lịch sử liên tục từ thời kỳ đồ đá mới cho đến ngày nay. Nó có thể được tạo ra từ nhiều loại đất sét, một số trong đó được nung để có màu nâu, nâu da bò hoặc đen, với sắt trong các khoáng vật cấu thành dẫn đến màu nâu đỏ. Các loại màu đỏ được gọi là terracotta (đất nung), đặc biệt là khi không tráng men hoặc được sử dụng trong điêu khắc. Sự phát triển của men gốm làm cho gốm không thấm nước trở thành có thể, cải thiện tính phổ biến và tính thực tế của đồ đựng bằng gốm. Việc bổ sung trang trí cho đồ đất nung đã phát triển trong suốt lịch sử của nó.

Đồ sành

Chum sành Nhật Bản thế kỷ 15, với một phần tráng men tro.

Đồ sành là đồ gốm được nung trong lò nung ở nhiệt độ tương đối cao, từ khoảng 1.100 °C đến 1.200 °C, cứng hơn và không thấm đối với chất lỏng.[8] Người Trung Quốc đã phát triển đồ sành từ rất sớm và phân loại đồ sành cùng với đồ sứ là đồ gốm cao cấp. Ngược lại, đồ sành chỉ có thể được sản xuất ở châu Âu từ cuối thời trung cổ, vì các lò nung ở châu Âu kém hiệu quả hơn, và loại đất sét phù hợp cũng ít phổ biến hơn. Nó vẫn là một đặc sản của Đức cho đến thời Phục hưng.[9]

Đồ sành rất cứng và hữu dụng, và phần lớn luôn luôn mang tính thực dụng dành cho nhà bếp hoặc để làm đồ đựng hơn là đồ đặt trên bàn. Nhưng đồ sành "mỹ nghệ" được coi trọng ở Trung Quốc, Nhật Bản và phương Tây, và tiếp tục được sản xuất. Nhiều loại hình đồ sành thực dụng cũng đã được đánh giá cao như một dạng đồ mỹ nghệ.

Đồ sứ

Ấm trà bằng sứ, khoảng năm 1730, với trang trí phong cách Trung Hoa bằng màu trên men.

Sứ được làm bằng vật liệu gia nhiệt, thường bao gồm cao lanh, trong lò nung đến nhiệt độ từ 1.200 và 1.400 °C (2.200 và 2.600 °F). Nhiệt độ này cao hơn so với sử dụng cho các loại khác, và đạt được những nhiệt độ này cũng như nhận ra những vật liệu cần thiết là một thách thức lâu dài. Độ dai, độ cứng và độ trong của sứ, so với các loại gốm khác, phát sinh chủ yếu từ thủy tinh hóa và sự hình thành của khoáng vật mullit trong tạo hình ở những nhiệt độ cao này.

Mặc dù đồ sứ lần đầu tiên được sản xuất tại Trung Quốc, nhưng theo truyền thống, người Trung Quốc không coi nó là một loại khác biệt, nhóm nó với đồ sành là đồ gốm "cao lửa" (瓷, từ), trái ngược với đồ đất nung là đồ gốm "thấp lửa" (陶, đào). Điều này gây nhầm lẫn khi đồ sứ lần đầu tiên được tạo ra. Độ trong mờ và độ trắng nhất định đã đạt được từ thời Đường (618-906), và một lượng đáng kể đồ sứ đã được xuất khẩu. Tuy nhiên, độ trắng hiện đại chỉ đạt được muộn hơn, trong thế kỷ 14. Đồ sứ cũng được sản xuất tại Triều Tiên và Nhật Bản từ cuối thế kỷ 16, sau khi cao lanh phù hợp được tìm ra tại các quốc gia đó. Đồ sứ không được sản xuất một cách hiệu quả bên ngoài Đông Á cho đến thế kỷ 18.[10]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Đồ gốm http://www.aboriginalculture.com.au/introduction.s... http://home.exetel.com.au/pottery/pottery/pottery.... http://www.brothers-handmade.com/potteryhistory.ht... http://www.ceramicindustry.com/Articles/Feature_Ar... http://www.ceramicstoday.com/articles/why_throwing... http://www.cleveland.com/world/index.ssf/2009/06/c... http://discovermagazine.com/1998/jun/japaneseroots... http://historynet.com/bh/bl-staffordshire-potterie... http://www.malaxi.com/perak/labu_sayong.html http://www.dorst.de/dorst_seite/Infolines_PDF/Info...